Lưu huỳnh (S): TRÊN CÂY CÓ MÚI
Lưu huỳnh (S) hiện diện đầy đủ trong hầu hết các loại đất, thường ít thấy cây thiếu lưu huỳnh. Lưu huỳnh trong đất ở dạng anhydrit (CaSO4) và Gips (CaSO4.2H2O) phổ biến là ở dạng sunfat, FeS2 (pirit) và FeS là dạng sulfit của đất. Lưu huỳnh trong đất còn có dạng liên kết hữu cơ, đặc biệt ở đất giàu mùn.
Lưu huỳnh là thành phần của cystein, cystine, methionine, lipoic acid, coenzyme A, thiamine pyrophosphate, glutation, biotin, adenosine – 5 - phosphate và 3 – phosphoadenosine. Coenzyme A là một hợp chất thiết yếu cho hô hấp, cho sự tổng hợp và sự phân nhỏ các acid béo. Lưu huỳnh được cây hấp thu từ đất ở dạng ion sulphate (SO42-). Hầu hết sulphate được vận chuyển lên thân trong mạch gỗ. Lưu huỳnh cũng có thể được hấp thu qua lá thông qua khí khổng ở dạng khí sulfur dioxide. Sulfur dioxide được chuyển hóa thành bisulfite (HSO3-) khi nó phản ứng với nước trong tế bào và ở dạng này nó vừa ức chế sự quang tổng hợp, đồng thời gây ra sự hủy hoại chlorophyll.
Triệu chứng thiếu lưu huỳnh (S): vì S liên quan đến sự thành lập protein và diệp lục, triệu chứng thiếu lưu huỳnh giống với triệu chứng thiếu đạm. Cây còi cọc, lá xanh nhạt chuyển sang vàng. Bệnh vàng úa ở cây có múi do thiếu lưu huỳnh thì sự sinh trưởng kém, bởi vì lưu huỳnh không di chuyển từ lá già sang lá non như đạm. Thiếu lưu huỳnh hầu như xảy ra với mức độ phân đạm cao.